Cà rốt có thực sự tốt cho mắt?

8:50 AM 0 Comments A+ a-

Công dụng của cà rổt

Cà rốt là thực phẩm quen thuộc trong các bữa cơm gia đình. Với quan niệm ăn cà rốt giúp sáng mắt, rất tốt cho mắt cho nên nhiều người thường ăn cà rốt, đặc biệt là ăn sống, để làm "sáng mắt". Vậy cà rốt thực sự có thực sự tốt cho mắt, mời các bạn tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Cà rốt có thực sự tốt cho mắt?

Trong cà rốt có chứa nhiều carotene, là một chất được xem là tiền vitamin A. Lượng carotene trong cà rốt khi vào cơ thể sẽ được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A ở ruột và gan. Vitamin A là một chất cần thiết cho thị lực, vì vậy, nhiều người cho rằng ăn cà rốt sẽ giúp sáng mắt, nhưng điều này là không hoàn toàn đúng. Vitamin A có thể giúp phòng ngừa các căn bệnh thường gặp ở trẻ em do thiếu loại vitamin này như mù lòa, quáng gà,... nhưng không giúp những người có thị lực bình thường hay người bị các vấn đề về mắt (cận, viễn, loạn thị,...) cải thện thị lực.
Tuy nhiên, các chất bổ dưỡng khác như vitamin A, B, C, D, E, can-xi, đồng, sắt, magiê,... có trong cà rốt cũng rất tốt cho cơ thể. Đặc biệt hàm lượng carotene có trong cà rốt là một chất chống oxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, giảm nguy cơ mắc phải các căn bệnh như tim mạch, ung thư...  Như vậy cà rốt tuy không thực sự làm "sáng mắt" nhưng cũng rất tốt cho cơ thể của chúng ta.

Có nên ăn cà rốt sống?

Cà rốt là loại củ có vách tế bào xenlulozo dày và cứng nên khi ăn sống, cơ thể chỉ chuyển hóa được một lượng nhỏ các chất carotene thành vitamin A. Tuy nhiên, khi xay nhuyễn hoặc nấu chín thì lớp tế bào này sẽ bị phá vỡ, giúp cơ thể hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Như vậy, chúng ta nên nấu chín hoặc ép cà rốt thành sinh tố sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể hơn.

Những lưu ý khi sử dụng cà rốt

Các chất dinh dưỡng có trong cà rốt chỉ đảm bảo khi cà rốt còn tươi và đã qua nấu chín, tuy nhiên nếu nấu quá lâu cũng sẽ làm giảm các thành phàn dinh dưỡng có trong cà rốt.
Cà rốt có thể cung cấp vitamin A cho cơ thể, nhưng khi cơ thể thiếu vitamin A thì bạn mới cần phải bổ sung. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn quá nhiều cà rốt có thể gây ra bệnh vàng da do lượng caroten tích tụ quá nhiều trong cơ thể.
Các loại cà rốt hoang dại trong lá có thể chứa chất Furocoumarins gây độc khi ăn phải. Khi ăn cà rốt cần rửa sạch, bỏ vỏ và hai đầu để tránh lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong cà rốt.

Cách lựa chọn và bảo quản cà rốt

Cần lựa chọn những củ cà rốt còn tươi, vỏ cứng màu cam và còn nguyên vẹn, không bị dập nát. Những củ già sẽ chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn những củ còn non.

Khi bảo quản, củ cà rốt phải còn nguyên, chưa rửa qua nước (chỉ rửa khi mang đi chế biến). Cà rốt cần phải cắt bỏ lá, bao kín bằng bao nilon và bảo quản trong ngăn rau quả của tủ lạnh. Không nên bỏ cà rốt ngoài không khí vì như vậy sẽ làm cà sẽ bị mềm.